Đặc sắc món bánh dày truyền thống của đồng bào dân tộc Mông huyện Trạm Tấu
12/09/2019 4:07:00 CH
7872: Lượt đọc

 Bánh dày tiếng Mông gọi là Pá. Theo quan niệm của người Mông bánh dày là biểu tượng của mặt trăng, mặt trời, tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở  của vũ trụ bao la. Bên cạnh đó chiếc bánh còn là biểu tượng của sự trong trắng, lòng chung thủy, son sắc của người phụ nữ Mông như một vòng tròn khép kín. Người Mông thường làm bánh dày vào dịp tết và các lễ hội. Dâng lên bàn thờ tổ tiên để bày tỏ lòng thành kính của mình, với ước mong các đấng linh thiêng phù hộ cho đôi chân to khỏe, để có thể vượt núi, chèo đèo, phát nương làm rẫy. Phù hộ cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Để chuẩn bị cho công việc làm bánh  trước đó hàng tháng trời phụ nữ phải tìm những loại gạo nếp nương thơm ngon nhất, hạt mẩy, đều hạt. Thanh niên trai, gái Mông thì rủ nhau lên rừng tìm những thân cây to mang về khoét một phần thân làm máng và chày dã bánh. Họ cắt lấy những tàu lá chuối to, đẹp mang về rửa sạch, sau đó cắt thành khoanh tròn to bằng “một ông trăng” đem hơ qua lửa cho lá có độ rẻo, mềm để lá không bị rách mang về làm bánh. Đây cũng là dịp cho trai gái người Mông giao lưu, tìm hiểu nhau kết duyên vợ chồng.

Bắt đầu cho công việc làm bánh, người ta lấy gạo nếp mang ngâm 4 đến 5 tiếng rồi cho gạo vào chõ gỗ để xôi. Chõ cũng được làm bằng những thân cây lớn, đục phần lõi để khi xôi gạo nếp giữ nguyên được hương vị. Công đoạn xôi trên bếp lửa mất khoảng hai tiếng đồng hồ. Khi công việc xôi hoàn thành, người ta đổ cơm ra chiếc máng dã bánh. Việc dã bánh là một công việc khá nặng nhọc vì vậy cần những chàng trai Mông khỏe mạnh. Cứ mỗi lượt hai người vào cùng nhau dã, khi đôi này mệt các đôi khác sẽ vào thay. Từng đôi nhịp nhàng dã đến khi cơm nếp nhuyễn hẳn, không còn nhìn thấy hạt lăn tăn. Khi công việc dã bánh đã xong phần còn lại dành cho phụ nữ. Để có chiếc bánh thơm ngon và khi nặn không bị dính tay người ta lấy lòng đỏ quả trứng gà đem xoa vào tay trước khi nặn bánh. Dưới đôi bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ và các chị các “ ông trăng, ông mặt trời” lần lượt ra đời, đều tăm tắp, đặt lên tàu lá chuối đã được cắt khoanh tròn.

Mỗi dịp lễ, tết các gia đình trong bản nô nức thi nhau dã bánh dày  Âm thanh cuộc sống hòa cùng tiếng chày, vang lên giữa núi non đại ngàn, hòa cùng tiếng gió vi vu như bản tình ca vang vọng khắp núi đồi. Đâu đó tiếng trẻ thơ díu rít vui đùa làm cho một vùng núi yên bình, hoang sơ trở nên sôi động, rộn ràng hơn.

Khi thưởng thức người ta cắt thành từng lát bánh, sau đó đem dán bằng mỡ lợn. Chiếc bánh được dán phồng lên, cũng là lúc mùi thơm của gạo nếp nương, hòa quyện mùi thơm dịu của trứng gà, mùi ngậy béo của mỡ lợn lan tảo khắp gian bếp nhỏ, tạo nên một món ăn vô cùng hấp dẫn. Món bánh được mang đãi khách quý khi đến chơi nhà và là món quà quý cho khách phương xa. Nó giống như tấm chân tình của đồng bào Mông thật thà và tha thiết. Nếu ai đã thưởng thức một lần sẽ nhớ mãi không quên.