Mường Lò – Nơi hội tụ những sắc màu văn hóa
24/01/2019 8:36:00 SA
6267: Lượt đọc

 Mường Lò – mảnh đất của địa linh nhân kiệt, nơi cư trú lâu đời của các dân tộc, vùng đất tổ của tộc người Thái đen. Mường Lò có một sức quyến rũ lạ kỳ và mãnh liệt đối với bất cứ ai đã từng một lần đặt chân đến. Sức quyến rũ ấy được kết tinh từ những đường nét thiên nhiên tuyệt đẹp với những đồi chè xanh, những đồng lúa vàng, những rừng mơ đắm mình trong nắng. Hơn thế, đó là bởi con người Mường Lò chân chất, thật thà, biết nâng niu, chăm bẵm cho từng tấc đất quý giá của cha ông.

Mường Lò là miền đất giàu truyền thống văn hoá, xứ sở của nhiều lễ hội, cái nôi tạo nên sắc thái văn hóa riêng biệt, trong đó, đậm đà nhất chính là bản sắc văn hóa của dân tộc Thái. 
Nói đến lễ hội Mường Lò, không thể không nói tới Hạn Khuống – một lễ hội truyền thống lâu đời và mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Theo tiếng Thái, “Hạn” có nghĩa là tre, nứa và “Khuống” là sân, đất trong bản. Hạn Khuống có nghĩa là một cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời. “Hạn Khuống” còn gọi là Sàn hoa Hạn Khuống - sân chơi dành riêng cho nam thanh, nữ tú chưa lập gia đình.

Sàn Hạn Khuống được làm bằng những cây tre to ghép lại, xung quanh có những chấn song đan hình mắt cáo, có một cửa ra vào, lên xuống bằng cầu thang. Ở giữa sàn có một bếp lửa, cạnh bếp lửa người ta dựng cây vũ trụ, tiếng Thái gọi là cây “Lắc xay”, có ý nghĩa như cây nêu ngày tết. Sàn được làm thật chắc để cho trai làng, gái bản trổ tài khéo tay như: quay xa, kéo sợi, đan lát, thêu thùa…

Khi ánh sáng của bếp lửa bùng lên, cũng là lúc bắt đầu đêm Hạn Khuống. Các thiếu nữ Thái duyên dáng trong trang phục váy áo cỏm truyền thống, vấn tóc đẹp, đội khăn piêu. Còn các chàng trai tay cầm khèn Pí để đệm cho những câu khắp tình tứ lúc giao duyên.

Trong những ngày lễ, tết, hội hè, những chàng trai, cô gái Thái háo hức tham gia sàn hoa Hạn Khuống với mong muốn tìm được người yêu. Khi những câu khắp cất lên với những lời đối đáp tình tứ, khéo léo, được đẩy lên theo từng cung bậc của cảm xúc. Ngọn lửa “Hạn Khuống” cháy sáng rực cả một góc bản làm cây “Lắc xay” càng thêm lung linh nhiều màu sắc.

Trong đời sống văn hóa của người Thái Mường Lò, Hạn Khuống đã thỏa mãn nhu cầu tinh thần và liên kết, gắn bó cộng đồng người Thái, thể hiện ước vọng về tình yêu đôi lứa, về hạnh phúc lứa đôi và khát khao hướng tới chân, thiện, mỹ. Năm 2017, hội Hạn Khuống của người Thái ở Mường Lò đã được vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là tài sản văn hóa tinh thần vô giá của dân tộc Thái nói riêng, của nhân dân Việt Nam nói chung. Vinh dự này cũng đặt ra nhiệm vụ cho các cấp, các ngành của tỉnh Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp lưu giữ, phát huy những giá trị độc đáo, đặc sắc của nghệ thuật trình diễn này trong hiện tại và tương lai.

Sau những đêm hạn Khuống, sau những lời tỏ tình, tìm hiểu và hò hẹn yêu thương, những đôi mắt đã dõi tìm nhau, những trái tim đã chung nhịp đập và những tâm hồn đã đồng điệu, chàng trai, cô gái Thái cùng hướng tới cái đích cuối cùng, đó là hạnh phúc lứa đôi.

”Lễ to chọn ngày lành tháng tốt

Sang nhà xin cho được dâu hiền

Cha em vừa thấy ưng liền

Mẹ vui lời tựa tấm chiên ấm nồng”.

Một đám cưới theo phong tục cổ truyền của người Thái Mường Lò được tổ chức qua 6 bước: “Chóm pạư” nghĩa là thăm dò, “Pay tham pạư” nghĩa là ăn hỏi, “Khắt mák pú nợ” nghĩa là cắm lá trầu bé, “Khắt mák pú luông” nghĩa là cắm lá trầu lớn, “Tỏn pạư” nghĩa là đón dâu, “Ngái hua păn chường khá” nghĩa là tiệc đầu nhận lễ. Trong đó lễ đón dâu rất được coi trọng. Đây là bước quan trọng nhất, được cả nhà trai và nhà gái tiến hành rất thận trọng, bởi từ giây phút trọng đại này, cô dâu chính thức trở thành một thành viên của nhà trai, từ đây hai gia đình đều chung tay giữ gìn cho bếp lửa gia đình đôi trẻ mãi nồng ấm.

Một nghi lễ vô cùng trọng đại đối với một cô dâu người Thái, đó là lễ “Khửn cẩu” hay còn gọi là: “Tằng cẩu”, tức là búi tóc. Lễ này tiến hành tại nhà gái trước khi diễn ra lễ đón dâu vài giờ. Trong văn hóa của dân tộc Thái Mường Lò, ‘tằng cẩu” thể hiện cốt cách, tâm hồn và có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong suốt cuộc đời của một người phụ nữ Thái.

Trước lễ “tằng cẩu”, cô dâu gội đầu bằng nước vo gạo nếp cùng các loại lá thơm. Mái tóc dài xõa xuống như ước mong mọi điều rủi ro, mòn cũ của quá khứ sẽ trôi đi, chỉ còn lại trên đầu con vía tốt lành. Từ nay, cô dâu được nhẹ nhàng, thanh sạch bước sang một cuộc sống mới. Gội xong, cô dâu được các phù dâu dìu về ngồi ngay ngắn trên sàn nhà, quay về phía mặt trời mọc, người dì (em gái của mẹ mẹ chồng) khỏe mạnh, đức độ tằng cẩu cho cháu dâu (người tằng cẩu gọi là “nai cẩu”) trước sự chứng kiến của hai họ. 

“Mái tóc dài, chải cho mượt.
Búi ngược lên thành “Tằng cẩu”
Từ nay về sau, người đã có chồng
Nước không đổi dòng/ Lòng không đổi hướng, con ơi”.

Đó là lời hát dặn dò cô dâu mới cất lên trong lúc làm lễ tằng cẩu. Lời hát ý nhị, nhẹ nhàng mà vô cùng tinh tế, dặn dò về sự thủy chung, son sắt. Khi búi tóc đã hoàn chỉnh, bà mối khẽ nâng chiếc trâm bằng bạc xuyên búi tóc để giữ cho cẩu không thể xổ rối tung và chiếc trâm bạc xinh xắn nổi bật trên nền đen óng mượt của búi tóc cô dâu mới.

Trách nhiệm, đạo lý mang tính truyền thống của người Thái được trao cho cô dâu mới được biểu đạt qua mái tóc tằng cẩu vô cùng tinh tế. Tằng cẩu được người Thái đen coi trọng, bởi nó để lại dấu ấn quan trọng trong suốt cả cuộc đời người phụ nữ. Cuộc sống hôm nay dù có nhiều thay đổi nhưng mái tóc tằng cẩu vẫn được người phụ nữ Thái đen gìn giữ trong mọi hoạt động của đời sống. Mái tóc tằng cẩu một lần nữa lại tô điểm thêm cho sắc đẹp, cho cốt cách tâm hồn của người phụ nữ Thái....

“Anh đã hẹn cùng ai vào đất Nghĩa
Mà xôn xao câu khắp ở trong lòng
Trời Nghĩa Lộ mang sắc màu thổ cẩm
Đóa trăng chiều nghiêng trên tấm lưng ong”.

Đến với Nghĩa Lộ - Mường Lò, du khách sẽ được đắm mình trong một cuộc sống thanh bình và không gian văn hóa vô cùng đặc sắc. Đây là nơi quần tụ, sinh sống của các dân tộc anh em như Thái, Kinh, tày, Mường, Hmông, Khơ mú,...Những ai chưa một lần đến với Mường Lò chắc hẳn sẽ tự hỏi, điều gì đã làm nên một Nghĩa Lộ - Mường Lò nao lòng đến thế?

Các bản làng người Thái vẫn mang vẻ nguyên sơ với những nếp nhà sàn, lối sinh hoạt thường nhật, văn hóa ẩm thực, trang phục, các loại hình văn nghệ dân gian với những điệu dân ca, dân vũ độc đáo, nổi bật là những điệu xòe mê đắm lòng người. Du khách sẽ được tham dự những loại hình sinh hoạt văn hóa độc đáo, ngâm mình thư giãn trong các nguồn suối của núi rừng Tây bắc. Trong tiếng "Khắp mơi lảu", trong men rượu ngọt dịu, trong chan chứa tình người, du khách sẽ được cảm nhận được tinh túy của suối ngàn Tây Bắc và những ấn tượng khó phai mỗi khi nhớ về một vùng đất, một vùng người lịch sử và huyền thoại.

“Mình lên Suối Giàng đi anh
Để nghe sáo ai dìu dặt
Tiếng lòng bật thành tiếng hát
Nỗi nhớ thương thành đàn môi”.

Đến với Mường Lò, chúng ta còn được sống trong văn hóa đặc trưng của người H'Mông, với khát vọng ngàn đời cao vút như đỉnh Hoàng Liên, với cuộc sống bình dị và hồn nhiên, với tình yêu chân thành như cây rừng, nước suối. Những cô gái HMông váy nở xòe hoa, những chàng trai HMông gọi bạn tình bằng tiếng khèn dìu dặt. Những lời hát cất lên từ tiếng lòng chân thành và tha thiết.

Trên những con đường đèo uốn lượn, đôi chân của những chàng trai, cô gái HMông như có một sức mạnh kỳ lạ, đó là sức mạnh được tôi rèn trong công cuộc chinh phục thiên nhiên và ý chí không gì có thể khuất phục. Và những đôi chân kỳ diệu ấy đã nâng đỡ cho những tâm hồn luôn khao khát yêu thương, khao khát hạnh phúc mãi mãi vững bền.

Nơi đỉnh suối trời, những cây chè cổ thụ chính là món quà biểu trưng cho sự tinh khiết, thanh tao mà thiên nhiên đã ban tặng cho Mường Lò. Những cây chè cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm tuổi, tích tụ gió sương, khí trời và nguồn nước ngọt lành đã tạo nên thương hiệu riêng cho mảnh đất miền tây xinh đẹp. Tự hào thay cho những vẻ đẹp mà thiên nhiên đã riêng tặng cho Mường Lò, cho những con người nghĩa tình trọn vẹn. Yêu lắm, Mường Lò ơi!.

Người ơi! hãy ở lại bản mường em, cùng nghe những làn điệu dân ca sâu lắng, nghe tiếng đàn tính gọi mời. Trong tiếng đàn tính vui tươi, ca ngợi thiên nhiên, ca ngợi lao động, ca ngợi cuộc sống và tình yêu đôi lứa, quý vị sẽ cảm nhận rõ hơn khát vọng của con người miền núi chất phác, thật thà và đầy lòng hiếu khách:

“Chẳng vội gì ngày việc
Chẳng tiếc gì ngày công
Ngày việc anh sẽ đỡ
Ngày công anh xin làm
Em cứ ở lại thăm
Bản mường anh vậy đó...”

Mường Lò, nơi hội tụ của những sắc màu văn hóa, đã và đang trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình đến với miền tây của du khách. Ngoài những nét đặc sắc về thiên nhiên và văn hóa, Nghĩa Lộ - Mường Lò còn hấp dẫn và níu chân du khách bởi lối sống nhân văn, hiếu khách, chân chất của con người.

Trong phiên chợ vùng cao rực rỡ sắc màu của thổ cẩm, của sản vật núi rừng, con người giao tiếp với nhau bằng một tấm lòng cởi mở, nụ cười thân thiện. Tay nắm tay, trong ánh lửa bập bùng, không còn đâu là khoảng cách của tuổi tác, giàu nghèo, trai gái, chỉ có một sự ấm áp lạ kỳ của tình người trong những điệu xòe bất tận, mê say.

Mường Lò những ngày mùa thu ngập tràn nắng vàng và hương lúa. Nơi đây, mỗi nhành cây ngọn cỏ cũng có tâm hồn, mỗi giọt sương mai tích tụ thành suối nhạc. Đừng hỏi vì sao Mường Lò lại làm đắm say du khách, đừng hỏi vì sao Mường Lò lại để thương cho người ở, để nhớ cho người đi. Hãy đến Mường Lò để cảm nhận những điệu dân vũ nồng say, cảm nhận câu khắp giao duyên tình tứ, cảm nhận ánh trăng đêm mờ ảo và diệu kỳ, để thấy rằng, với bất cứ ai thì Mường Lò cũng luôn tràn ngập tình yêu và khát khao bỏng cháy.

 

Diễu diễn đường phố trong Tuần Văn hóa - Du lịch Mường Lò 2018

                                                                                                                                                                                                                  THU PHONG