Những điểm dừng chân thú vị tài Nghĩa Lộ
20/09/2018 3:13:00 CH
6818: Lượt đọc

Đến với Nghĩa Lộ, điều đầu tiên mà bạn có thể cảm nhận đó là không khí trong lành, không gian thoáng đãng, thời tiết vô vùng thuận lợi cho những cuộc du ngoạn. Con người ở đây hết sức thân thiện, nhiệt tình và chất phác. Chúng tôi xin được gợi ý một số cuộc hành trình khám phá mảnh đất miền Tây Yên Bái để bạn có thể lựa chọn.

1. Khám phá di tích lịch sử - văn hóa – tâm linh

Đến Nghĩa Lộ bạn đừng quên ghé thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh thị xã Nghĩa Lộ. Công trình tọa lạc tại tổ 3 phường Tân An thị xã Nghĩa Lộ, trên trục đường Điện Biên. Đây là công trình được xây dựng từ tháng 7/1982 và là chi nhánh của Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Tây Bắc. Khu tưởng niệm mở cửa đón tiếp du khách buổi sáng từ 07h30’ đến 11h30’, buổi chiều từ 13h30’ đến 16h30’. Điện thoại liên hệ: 02163870650 hoặc 0912870399.

Rời Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh bạn tiếp tục hành trình đến Khu di tích lịch sử - văn hóa Căng và Đồn Nghĩa Lộ. Công trình tọa lạc tại phường Pú Trạng. Khu di tích được xếp hạng cấp quốc gia tháng 9/1996. Nơi đây gắn với 2 sự kiện lịch sử là trận phá Căng vượt ngục ngày 17/3/1945 và giải phóng Nghĩa Lộ 18/10/1952. Tìm hiểu về Căng – Đồn Nghĩa Lộ bạn sẽ cảm nhận rõ hơn về khúc tráng ca giữa miền ban trắng. Điện thoại liên hệ: 02163870650 hoặc 0912870399.

Sau khi thăm Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu di tích Căng – Đồn Nghĩa Lộ, bạn có thể ghé thăm Đền thờ liệt sỹ tại phường Trung Tâm và Chùa Trúc Lâm Thiên Phú tại xã Phù Nham – huyện Văn Chấn.

Điều đặc biệt là tại các điểm đến trong cuộc hành trình này, bạn hoàn toàn không phải mua vé và không mất phí khi có nguyện vọng nghe thuyết minh giới thiệu.

1. Khám phá bản văn hóa truyền thống

Tới Nghĩa Lộ, những du khách muốn trải nghiệm văn hóa bản địa không nên bỏ qua hành trình khám phá bản văn hóa truyền thống tại xã Nghĩa Lợi và xã Nghĩa An.

Tại xã Nghĩa Lợi, bản văn hóa Sà Rèn với những nét văn hóa vô cùng độc đáo sẽ để lại cho bạn những ấn tượng khó quên. Đến đây, bạn có thể lưu trú tại một homestay với phí ăn, ngủ hợp lý, thái độ phục vụ thân thiện, chu đáo. Tại Sà Rèn, bạn có thể trải nghiệm dịch vụ bơi mảng trên suối Thia, cùng đi đánh cá với người dân và thưởng thức món cá suối sấy có hương vị đặc biệt. Những du khách muốn tìm hiểu và trải nghiệm văn hóa của đồng bào Thái có thể nghe giới thiệu về phong tục cưới hỏi của người Thái đen, nghe giới thiệu và trải nghiệm tục tằng cẩu của cô dâu Thái, thưởng thức các điệu khắp, các tiết mục văn nghệ do các nghệ nhân và các thiếu nữ Thái trình diễn; tham gia các trò chơi dân gian tại nhà văn hóa bản Sà Rèn.

Du khách cũng đừng quên dành thời gian tản bộ hoặc đạp xe trên những con đường quanh co trong bản, trên cánh đồng Mường Lò để cảm nhận rõ hơn về mảnh đất và con người nơi đây.

Ngoài Sà Rèn, bạn cũng có thể lựa chọn bản Chao Hạ 1 (xã Nghĩa Lợi) hoặc bản Đêu (xã Nghĩa An) để trải nghiệm.

3. Khám phá thiên nhiên Mường Lò

Một số điểm đến mà bạn không thể bỏ qua để có được những bức hình ấn tượng khi đến với Nghĩa Lộ đó là: Cánh đồng Mường Lò tại xã Nghĩa Lợi, phường Tân An, xã Nghĩa An; xã nghĩa Phúc, Suối Thia, khu vực cầu bản Xa; đồi Pú Lo...

Một điểm đến vô cùng hấp dẫn trên hành trình khám phá thiên nhiên Mường Lò đó là khu sinh thái Nậm Đông. Tại đây thiên nhiên tuyệt đẹp với những đồi thông xanh ngát, suối Nậm Đông cùng những thửa ruộng bậc thang uốn lượn. Xa xa mây trắng bồng bềnh trên những ngọn núi xanh mơ. Chắc hẳn bạn sẽ vô cùng ấn tượng khi đến với nơi này.

* Để có thêm thông tin hoặc hỗ trợ tư vấn du lịch, quý khách vui lòng liên hệ: Tổ xúc tiến du lịch tại Phòng Văn hóa – Thông tin thị xã Nghĩa Lộ, đt 02163 870 163 hoặc 0914 291 185 (Phong)

4. Một số điểm du lịch tại Văn Chấn, Trạm Tấu, mù Cang Chải

Suối Giàng:

Suối Giàng cách Nghĩa Lộ hơn 20km. Đây là một xã vùng cao của huyện Văn Chấn có độ cao 1.300-1.400m so với mực nước biển. Suối Giàng được ví như một Sa Pa của vùng đất Yên Bái. Ở Suối Giàng ngoài những cánh rừng chè mới trồng lưng chừng núi thì các vườn chè cổ thụ vẫn luôn hấp dẫn du khách. Những vườn chè cổ thụ đã có từ hàng trăm năm, trong đó có cây chè người ta tính được vòng đời 300-400 tuổi. Du khách có thể dừng chân ở bản Pang Cáng, là nơi hiếm hoi ở Suối Giàng còn giữ được nguyên những nét đơn sơ, thuần khiết trong phong tục văn hóa và kiến trúc H'mông; thưởng thức những chén trà Shan tuyết cổ thụ với hương vị độc đáo, riêng có.

Nậm Tốc Tát

Nậm Tốc Tát nằm trên địa bàn bản Lương Hà (xã Thạch Lương, huyện Văn Chấn). Nơi đây được coi là ranh giới giữa trời và đất, địa danh cổ mang ý nghĩa tâm linh được người Thái đen giữ gìn như báu vật thiêng liêng của dân tộc mình.

“Rừng hồn trâu”

Ngay gần Nậm tốc tát là “Rừng hồn trâu”. Điều này được lý giải: Người Thái có tục lệ mổ trâu làm vật tế tiễn đưa linh hồn người chết về Mường Trời mà Nậm Tốc Tát là sợi dây vô hình - nơi giao nhau giữa trời và đất. Người Thái đen xưa quan niệm: Con trâu được mổ chính là của cải chia cho người chết để họ trở về cõi trời tiếp tục làm ruộng, sinh sống ở một thế giới khác.

Tú Lệ

Trên quốc lộ 32 hướng về huyện Mù Cang Chải, Tú Lệ là xã sát sườn đèo Khau Phạ, trực thuộc huyện Văn Chấn của tỉnh Yên Bái. Trước khi vượt "sừng trời" (đèo Khau Phạ), Tú Lệ hiện ra với hương thơm ngào ngạt khiến nhiều du khách phải dừng chân ghé lại, để thưởng thức chút xôi nếp giản dị mà nức tiếng cả nước của đồng bào dân tộc Thái nơi đây.

Được thiên nhiên đặc biệt ưu đãi, Tú Lệ còn sở hữu dòng suối nước nóng quanh năm đã nức tiếng gần xa. Thậm chí không thiếu những vị khách quốc tế không ngại khó khăn, xa xôi cũng tìm đến đây để có thể hòa mình vào dòng suối nóng bản Chao nằm giữa trung tâm xã. Tú Lệ còn nổi tiếng với tên gọi “miền gái đẹp”. Đó là những cô gái Thái có nước da trắng hồng, thắt đáy lưng ong khiến du khách đã gặp một lần là xao xuyến mãi. 

Bản Lìm Mông

Bản Lìm Mông xã Cao Pạ, huyện Mù Cang Chải -Yên Bái từ bao đời nay vẫn ẩn mình trong mây. Xưa nay, dân phượt vẫn thường rỉ tai nhau nơi đây là một trong những “tứ đại hiểm địa” Tây Bắc bởi độ khó hiểm trở của đường đi và cả bởi đó cũng là nơi… tận cùng, và Lìm Mông là một trong số ấy, đầy hấp lực đầy mời gọi và cũng đầy thách thức.

Bản Thái (Mù Cang Chải)

Qua chiếc cầu ở ngay trung tâm huyện (hướng đi Chế Tạo) rồi rẽ trái đi khoảng 1km sẽ tới bản Thái. Một ngôi làng nhỏ bình yên nằm giữa thung lũng, lưng tựa vào núi. Tới đây bạn có thể thưởng thức các món ăn đặc sản của người Thái, tắm nước lá thuốc theo cách cổ truyền của người Thái, nghỉ ngơi tại nhà sàn và cùng tổ chức các buổi giao lưu, đốt lửa trại.

Thác Mơ (Mù Cang Chải)

Thác Mơ nằm giữa hai ngọn đồi Nả Háng A và Nả Háng B thuộc địa phận xã Mồ Dề (Mù Căng Chải).Trong hành trình chinh phục thác Mơ có 7 điểm ấn tượng để bạn dừng chân, thưởng ngoạn. Từ quốc lộ 32, đi bộ khoảng 30′ vào đến chân thác, tiếp tục từ đây bạn sẽ tới điểm thác một tầng nơi dòng nước chảy theo hình xoắn ốc. Để đến được điểm thác 4 tầng tiếp theo bạn cần tiếp tục đi bộ ngược dòng thác, đây cũng là nơi ấn tượng nhất để bạn có thể lưu lại những hình ảnh tuyệt đẹp về Thác Mơ.

Thác Pú Nhu

Thác Pú Nhu nằm ở bản Pú Nhu, thuộc xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải cách trung tâm huyện Mù Cang Chải chừng 10km về phía Tây. Được bắt nguồn từ các con suối trên các cánh rừng đầu nguồn từ Than Uyên (Lào Cai) đổ về, thác có độ cao cột nước khoảng 20m được chia thành nhiều bậc.

Ngoài ra, du khách cũng có thể lựa chọn cho mình những hành trình chinh phục mạo hiểm như chinh phục đỉnh Tà Xùa, thác Háng Tề Chơ,... Miền Tây Yên Bái hứa hẹn mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho những du khách muốn khám phá và trải nghiệm.

Ruộng bậc thang La Pán Tẩn

Nổi tiếng bởi những thửa ruộng bậc thang đẹp tựa vân tay của trời, La Pán Tẩn không hổ danh là 1 một trong 3 địa phương của huyện Mù Cang Chải, có ruộng bậc thang - công trình nghệ thuật mang đầy tính sáng tạo của đồng bào Mông sinh sống trên mảnh đất này đã được Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch xếp hạng Di tích danh thắng cấp quốc gia từ cuối năm 2007.

Đèo Khau Phạ

Đèo Khau Phạ là đèo hiểm trở và dài nhất trên tuyến quốc lộ 32 được mệnh danh là một trong “tứ đại đèo” với độ dài trên 30 km. Đèo Khau Phạ là một trong những cung đường đèo quanh co và dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam vượt qua đỉnh núi Khau Phạ. Đèo nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đèo Khau Phạ đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm…