Khát vọng Phúc Sơn
05/11/2021 2:50:00 CH
9102: Lượt đọc

 Đang băng băng trên con đường trơn tru trong lòng thị xã Nghĩa Lộ, đến Phúc Sơn quả thật có chút gì đó như là chênh vênh. Phố xá lặng dần. Chỉ còn con đường miệt mài, kiên nhẫn chạy xuyên qua cánh đồng mùa dở. Thi thoảng, những con đường nhỏ như xương cá bất chợt hiện ra rồi chìm vào trong cái màu loang lổ của cây màu. Những biển hiệu bên đường nhỏ bé, chưa kịp nhìn đã vội khuất đi sau những tán lá. Có lẽ những điều ấy chẳng mấy ai để tâm lắm, bởi tôi tin chắc trong tâm trí những người nơi xa đi qua Phúc Sơn chỉ có cái màu xanh lấp loáng của những bể nước khoáng nóng và những đồi thông vi vút gió của Trạm Tấu đang thúc giục. Với tôi, giờ Phúc Sơn đã về với Nghĩa Lộ và có rất nhiều lý do khiến tôi cần đến. Bây giờ, cảm giác xa lạ ban đầu đã không còn nữa. Thay vào đó là một cảm xúc thân thương khó tả. Nơi đó có những khát vọng nguyên sơ và cháy bỏng đang thúc giục, gọi mời đam mê và khám phá.

Phúc Sơn là một trong 07 đơn vị hành chính của huyện Văn Chấn mới được sáp nhập vào thị xã Nghĩa Lộ từ đầu năm 2020. Xã có ranh giới phía Bắc giáp xã Hạnh Sơn, phía Đông giáp Thạch Lương, phía Tây giáp xã Pá Lau (huyện Trạm Tấu), phía Nam giáp xã Pá Hu (huyện Trạm Tấu). Toàn xã có diện tích đất tự nhiên là 1.209,21ha, trong đó chủ yếu là đất nông nghiệp. Nổi bật trong văn hóa của Phúc Sơn là văn hóa của người Thái và người Mường với những nét đặc trưng của con người Mường Lò cần mẫn, gần gũi, thân tình, hiếu khách cùng phong tục tập quán đặc sắc. Không những thế, địa hình của xã cũng khá phức tạp, đồi núi đan xen với những thung lũng hẹp, ruộng lúa nước và các khe suối. Hệ thống suối Thia, suối Nậm Cò Nòng kéo dài và phân bố không đồng đều làm địa hình xã bị chia cắt. Đối với phát triển du lịch thì những đặc điểm trên đã trở thành một lợi thế khi đã tạo nên nét đặc trưng của phong cảnh miền núi, thiên nhiên còn nguyên sơ, có nhiều điểm trải nghiệm, khám phá dành cho du khách.

Năm 2019, du lịch cộng đồng manh nha ở mảnh đất này với một nóc nhà sàn đơn sơ. Đó là mô hình Homestay của gia đình chị Đinh Thị Đương ở bản Lụ 1, khởi đầu với cái tên rất giản dị: “Homestay và Ẩm thực Bếp Mường”. Tuy nhiên, thời điểm đó, đây vẫn là cái tên khá xa lạ. Tôi khá tò mò khi ở một nơi chấp chới giữa một bên là Trạm Tấu, vốn đã nức tiếng với suối khoáng nóng và một bên là những bản du lịch cộng đồng lâu năm ở Nghĩa Lộ như Sà Rèn (xã Nghĩa Lợi), bản Đêu (xã Nghĩa An) thì nơi đây có gì có thể níu chân du khách? Chưa kể đến người dân Phúc Sơn vốn chỉ quen với công việc đồng áng. Nên khi nói đến làm du lịch quả thực còn nhiều lạ lẫm. Nhưng đi sâu vào những bản người Thái, người Mường tôi mới hiểu cái khát vọng của người con gái nhỏ bé và liều lĩnh tiên phong làm du lịch ở bản Lụ 1. Đến nay, mô hình ấy đã có 2 nếp nhà sàn đẹp đẽ. Khi đông khách thì toàn bộ 3 nếp nhà của gia đình đều có thể đáp ứng nhu cầu lưu trú của khách lưu trú.

Năm 2020, ngay sau khi được điều chỉnh địa giới hành chính, Ủy ban nhân dân thị xã Nghĩa Lộ đã chỉ đạo khảo sát tiềm năng du lịch tại các xã mới được sáp nhập. Những giá trị văn hóa độc đáo, rõ nét của người Mường với kiến trúc nhà ở đặc trưng, nét sinh hoạt văn hóa thường nhật cùng tín ngưỡng và lễ hội dân gian còn lưu giữ đến ngày nay kết hợp với tiềm năng thiên nhiên hứa hẹn một sản phẩm du lịch độc đáo ở Phúc Sơn. Tại bản Lụ 1 và bản Lụ 2 trên 300 hộ gia đình sinh sống với tỷ lệ người Mường chiếm đa số. Nơi đây được thiên nhiên ưu đãi cho một khí hậu trong lành, cảnh quan hài hòa với đồi núi bao bọc và những thửa ruộng đẹp mắt. Bức tranh thiên nhiên nơi đây chuyển sắc một cách kỳ diệu, hấp dẫn vô cùng. Điều đó lý giải vì sao Phúc Sơn được du khách biết đến nhiều hơn. Chị Đương cho biết, đến nay mô hình Homestay của gia đình chị đã được nhiều đoàn khách du lịch lựa chọn trong hành trình khám phá miền Tây Yên Bái. Một số công ty lữ hành cũng đã đến khảo sát và tư vấn cho gia đình để ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động của mô hình. Năm 2020, gia đình chị đã được hỗ trợ 40 triệu đồng từ Điều 12 – Nghị quyết số 14/2018/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái để mua sắm trang thiết bị tối thiểu cho Homestay. Bước đầu, xã Phúc Sơn cũng đã thành lập đội văn nghệ bản Lụ để bảo tồn những điệu múa của truyền thống của dân tộc Mường và phục vụ các hoạt động quảng bá văn hóa dân tộc Mường xã Phúc Sơn đến với du khách tại các Homesaty, các chương trình lễ hội, giao lưu văn hóa trên địa bàn.

Để có thể phát triển mô hình du lịch của gia đình, chị Đương đã dành thời gian thăm quan, học hỏi các mô hình Homestay, Farmstay tại Đà Lạt, Lào Cai,... Điều chị tâm huyết nhất chính là làm sao để giữ gìn và mang đến cho du khách những trải nghiệm thật sự sinh động và chân thực về cuộc sống của người Mường nơi đây. Nói chuyện với chị, tôi mới hiểu lý do vì sao người phụ nữ nhỏ bé ấy lại sắn sàng từ bỏ công việc ổn định của một công chức cấp xã để tìm hướng đi riêng cho mình. Đó là quyết định liều lĩnh sau những điều mà chị đã mắt thấy, tai nghe, đã cảm nhận bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ trong quá trình khám phá và đi tìm cho mình niềm đam mê đích thực. Chị bảo điều chị hướng tới chính là tạo được sự khác biệt cho mô hình du lịch của gia đình và gắn kết các hộ dân trong bản, để các gia đình đều có thể hưởng lợi từ du lịch. Đây cũng chính là điều mà những người làm du lịch ở Nghĩa Lộ luôn canh cánh: Làm sao để mỗi gia đình trong bản đều có thể trở thành một mắt xích quan trọng tạo ra chuỗi giá trị về du lịch. Quả thực, đây là một bài toán không hề dễ dàng nếu muốn làm du lịch xanh, lâu dài và bền vững.

Trao đổi với anh Hoàng Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phúc Sơn, anh nói trước đây xã chưa nghĩ đến việc xây dựng và phát triển các mô hình du lịch. Chả thế mà khi tôi hỏi về mô hình du lịch Homestay và Ẩm thực Bếp Mường phải một lúc lâu anh mới nghĩ ra. Có lẽ vì những ngày đầu tiên ấy, cái tên Homestay và Ẩm thực Bếp Mường còn khá khiêm tốn và nhỏ bé trong số hơn 30 Homestay của thị xã Nghĩa Lộ. Vậy mà đến giờ thì xã đã chủ động đề xuất các nội dung phát triển du lịch. Trong đó, có thêm 3 đến 5 hộ đã có ý tưởng xây dựng mô hình du lịch cộng đồng tại bản Lụ 1 và bản Lụ 2. Gặp Hải tại Homestay và ẩm thực Bếp Mường, anh còn hồ hởi giới thiệu các sản phẩm nông nghiệp của xã ngay trên mâm cơm vô cùng độc đáo. Không ăm ắp thịt xôi, cá mú mà chỉ rặt một màu xanh của rau củ, măng rừng, cá dưới ao, gà trong vườn… tất cả đều từ đồng đất Phúc Sơn mà ra. Rồi anh kể về củ tỏi Phúc Sơn vốn đã nổi tiếng từ lâu đến nay đã đến được nhiều tỉnh thành trong cả nước nhờ khách du lịch. Thảo nào mà trên quầy lễ tân của Homestay và Ẩm thực Bếp Mường, ngoài những bình hoa dại, mật ong rừng, thảo dược khô, còn lại rặt tỏi là tỏi. Những túm tỏi khô được buộc khéo léo xòe nở trên bàn đầy kiêu hãnh.

Trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, các cơ sở lưu trú tạm ngừng đón khách. Ảnh hưởng của dịch bệnh đã khiến không ít gia đình làm du lịch nản lòng. Tôi hỏi chị Đương rằng chị có nản không khi vừa mới bắt đầu đã gặp phải khó khăn lớn như vậy. Chị cười bảo chị có niềm tin và niềm tin ấy lớn hơn vì chị đã dám từ bỏ để theo đuổi đam mê thì không thể để mình thất bại vì sự nản lòng ngay khi bắt đầu. Đó là lý do vì sao trong khi nhiều mô hình Homestay gần như đóng băng thì gia đình chị vẫn tập trung vào việc cải tạo cảnh quan, làm mới thêm các hạng mục để sẵn sàng cho một diện mạo vừa chỉn chu nhất, vừa gần gũi nhất với thiên nhiên để tiếp tục đón khách lưu trú khi có thể. Chị còn ấp ủ cải tạo toàn bộ diện tích đất của gia đình thành một trang trại nhỏ để trồng cấy sản phẩm nông nghiệp địa phương, kết hợp với các hộ dân cư trong bản cùng tạo ra cho du khách môi trường sống xanh, đẹp và mang đậm bản sắc của người Mường.

Trong làn khói xám tỏa ra từ căn bếp của người Mường, mang theo hương vị của xôi nếp thơm nồng và chứng kiến những cụ ông, cụ bà người Mường hăng say trong nhịp trống, chiêng và điệu múa của dân tộc mình ngay trong khuân viên của Homestay, tôi mới hiểu được tình yêu và đam mê của những con người nơi đây lớn đến chừng nào. Với Nghĩa Lộ, du lịch cộng đồng là một lợi thế. Nhưng đó cũng là một thách thức không hề nhỏ bởi nếu thiếu sự sáng tạo, đột phá để tạo ra cái riêng cho mỗi mô hình thì sẽ dẫn đến nhàm chán. Tôi tin rằng, với tình yêu quê hương, đam mê và khát vọng của mình thì một ngày nào đó không xa, người dân Phúc Sơn sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm thật sự khác biệt và hấp dẫn, góp phần đưa Nghĩa Lộ trở thành thị xã văn hóa – du lịch, trung tâm du lịch miền Tây của tỉnh Yên Bái.

THU PHONG