Hồn dân tộc trong họa tiết của người Thái Tây bắc
20/09/2018 2:53:00 CH
4746: Lượt đọc

Nghệ thuật trang trí của người Thái Tây Bắc rất phong phú và độc đáo, có tới trên ba mươi loại hoa văn, hoạ tiết, thể hiện sống động trên thổ cẩm, trang trí nhà cửa. Có thể nói mỗi người con gái Thái là một nghệ nhân tài hoa. Việc biết thêu thùa dệt vải được coi là tiêu chuẩn, là sự tất yếu cần phải có, “Nhinh hụ dệt phải, trái hụ san he”- Gái biết làm vải, trai biết đan chài. Mỗi khi các cô gái ngồi vào khung cửi, mỗi hoa văn họa tiết như có hồn, lung linh sống động: “ Úp bàn tay thành hình muôn sắc/ Ngửa bàn tay thành hoa muôn mầu” – “Khoẳm mư pên lai/ Hai mư pên bók” (dân ca Thái).

Thổ cẩm của người Thái Tây Bắc thường sử dụng các màu trắng, đỏ, vàng, xanh lá cây, tím… tạo ấn tượng mạnh. Hoạ tiết thường đối xứng với nhau, phản ánh quan niệm về sự hòa hợp trường tồn của cuộc sống, quan niệm về vũ trụ, triết lý âm dương, đất trời cùng vạn vật…Lấy thiên nhiên làm hình mẫu, thổ cẩm của người Thái Tây Bắc không khác nào cảnh thiên nhiên thu nhỏ. Đó là những hình thoi như quả trám chạy viền, hoa ban cách điệu, con suối với thác ghềnh tung bọt trắng xoá đây đó những chùm hoa buông dài như xà tích, lá đơn, lá kép, búp cây, dây leo, cây guột… Ngay trong mỗi bông hoa, hoặc thế giới động vật cách điệu cũng có hoa đực, hoa cái, con trống, con mái. Âm dương hài hòa, ước mong sự sinh sôi phát triển, khát khao chung sống thuận theo qui luật của muôn đời được thể hiện vô cùng tinh tế và phải trải qua hàng vạn năm tiến hóa mới có được.

Thế giới động vật được phản ánh trên thổ cẩm rất đa dạng: Con khỉ tinh nhanh, lanh lợi và hiếu động như trẻ thơ. Con rái cá tượng trưng cho tình yêu sắt son chung thuỷ, gia đình hạnh phúc. ở mặt chăn thường có hình con thuồng luồng thể hiện tình cảm, ước mơ và lòng vị tha cao cả của người mẹ, người vợ luôn chung thủy, độ lượng bao dung…

Mỗi vùng, thổ cẩm của người Thái Tây Bắc cũng khác nhau. Nếu như thổ cẩm của người Thái vùng Mường Lò (Văn Chấn-Yên Bái) có mầu thẫm hơn, sử dụng nhiều gam màu trầm như hướng tới sự suy tư trăn trở của chiều sâu tâm lý, thì thổ cẩm của người Thái Mộc Châu (Sơn La) lại tươi sáng, rực rỡ, bay bổng những ước mơ, khát vọng…

Nhà cửa của người Thái cơ bản theo hình mẫu của thổ cẩm.  Nhà sàn của người Thái cổ có hai bếp lửa – “Chík pháy. Bếp lửa phía “tang quản” dành cho người già và nam giới, bếp chính ở phía tang chan dành cho nữ giới  và những công việc nội trợ. Giữa núi rừng trùng điệp, gió sương giá buốt, bếp lửa hồng trên nhà sàn như trái tim hồng, sưởi ấm và nuôi dưỡng cả về vật chất và tinh thần cho mỗi con người, mỗi gia đình, bản mường, để rồi mỗi khi xa, nhớ về bếp lửa nhà sàn, trong lồng ngực nhỏ nhoi của mỗi người con của quê hương chợt ấm một ngọn lửa của tình cha, nghĩa mẹ, anh em và quê hương yêu dấu, tiếp sức cho mỗi người con vượt lên gian khó, chiến đấu và chiến thắng.

Từ bếp dành cho người già đến hết cầu thang dành cho nam giới gọi là “quản”. Đây là nơi dành riêng cho đàn ông, xưa phụ nữ không được đến khu vực này, trừ một số trường hợp đặc biệt. Nơi đây có gian thờ tổ tiên – “hỏng hóng” và cột thiêng – “sau hẹ”.

Trong kiến trúc nhà sàn người Thái Đen Tây Bắc, cột thiêng có vai trò vô cùng quan trọng, được coi như trụ cột, chứa đựng linh hồn của ngôi nhà, là biểu tượng cho sự bền vững của gia đình ẩn chứa những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.

Cột thiêng ở bên phía quản – nơi dành riêng cho đàn ông và thờ cúng. Khi dựng nhà, bao giờ cột thiêng cũng được dựng trước rồi mới dựng đến cột ở gian thờ – “sau hóng”. Người Thái có câu: “Púc sau hẹ khửn cón/ Púc sau hóng nắm lăng” – nghĩa là: Cột thiêng dựng trước/ Cột gian thờ dựng sau.

Người Thái cổ quan niệm, Mường (đơn vị hành chính có khái niệm tương đối gồm nhiều bản hợp thành như Mường Lò, Mường Thanh…, hoặc lớn như một nước như: Mường Việt, Mường Trung Quốc…) cũng là một cái nhà lớn. Trong ngôi nhà rộng lớn ấy có cột mường – “Lắc mường”, tức là cột hồn mường, là trụ cột của đất nước. Cột hồn mường được cụ thể hóa bằng những cái cột bằng gỗ lõi không mối mọt, được đặt trang trọng trong  mâm lễ cúng bản cúng mường – “xên bản, xên mường”. Sau khi cúng xong, ong mo và người đứng đầu mường bí mật đem chôn ở bốn góc của đất “chiềng”. Trong quan niệm xưa, nếu kẻ thù phát hiện ra nơi chôn cột mường và đào phá, tức là đã xâm phạm đến chủ quyền, có thể gây rối loạn cho bản mường, tiến tới lật đổ hệ thống cai trị hoặc xâm chiếm bản mường đó. Người Thái cho rằng Then luông từ trên trời giữ dây mường nối với cột mường, khi nào dây mường còn chắc thì vận mệnh của mường còn hưng thịnh và ngược lại, nếu Then luông buông dây mường thì cột mường lung lay, thiên tai địch họa sẽ đổ xuống bản mường.

Ngôi nhà trong quan niệm của người Thái không chỉ là nơi ở của những người còn sống, mà còn là nơi trú ngụ của những linh hồn người qua đời. Bởi vậy bản mường còn là nơi chứa đựng linh hồn của tất cả các linh hồn của bản mường đó, mà “hồn chủ” là hồn của người được bản mường chọn áo để cúng theo nghi lễ từ ngàn xưa và được gọi là “chảu xửa” – chủ áo. Người được chọn là hồn chủ thường là người trong hàng ngũ quí tộc có công khai phá nên vùng đất ấy. Còn trong một ngôi nhà cụ thể, “chảu xửa” của ngôi nhà ấy là ông tổ của gia đình. Bởi vậy khi dựng cột thiêng là một sự nhắc nhở mỗi thành viên trong gia đình phải có bổn phận nhớ ơn và thờ cúng ông bà, tổ tiên, sống sao cho có ích, phát huy được truyền thống tốt đẹp của gia đình.

Trong ngôi nhà sàn, trên cột thiêng bao giờ cũng có một giỏ tre được gọi là: “ chóp nguôm” đan từ trước, lồng vào cột thiêng từ trước khi dựng. Giỏ tre này tượng trưng cho bầu trời bao bọc lấy trái đất. Trên “chóp nguôm” treo hình rùa đẽo bằng gỗ, ba bông thì là – “sam hom chík”, ba bông lúa “sam huống khẩu”, gói hạt rau cải – “tén phắc cát”, một số nơi còn có hình con cò bằng gỗ và linh vật của nam và nữ…

Mỗi biểu tượng treo trên “chóp nguôm” đều có những ý nghĩa sâu sắc, chuyên chở những ý nghĩa nhân sinh cao đẹp. Hình rùa tượng trưng cho thần rùa – (pua tấu), vị thần được Trời cử xuống dậy cho người Thái biết cách làm nhà để tránh mưa giông giá rét theo hình rùa đứng, đồng thời còn chuyên chở ước mong cuộc sống gia đình hòa thuận, mạnh khỏe, con cháu đông vui, làm được nhiều của cải (phúc, lộc, thọ). Hạt mùi và thì là tượng trưng cho âm dương. Từ bao đời nay, khi đi gieo rau mùi và thì là, các bà các mẹ người Thái đều khấn thầm: “Hom chík hi ók/ Hom bẻn pẻn ók”. Nghĩa bóng là: Hạt hai lá mầm xòe ra/ Hạt một lá mầm đội lên, mới nghe tưởng chừng như thô, nhưng cái nguyên lý âm – dương, sự tôn trọng, sự mong muốn có sự hài hòa âm – dương để cuộc sống sinh sôi phát triến  được thể hiện trong một công việc tưởng chừng rất nhỏ bé kia thật là tinh tế và sâu sắc. Cũng trong mô típ ấy, linh vật của nam và nữ biểu đạt một cách cụ thể hơn. Các thầy mo khi cúng cột thiêng – “sau hẹ” thường khấn “chảu xửa” ban cho: “Khuôn ẹt tẹt dú lai non lai/ Khuôn liệng ngúa bấu tai, liệng quái bấu sẩu/ Khuôn cót nảu phua mình non song…”, có nghĩa là: Vía đi vía không chờ/ Vía nuôi bò không chết, nuôi trâu không gầy còm/ Vía ôm chồng nằm kề/ Lứa đôi dây tình bện chặt… Đó chính là khát vọng sống, ước mong một cuộc sống ấm no hạnh phúc của bao thế hệ.

Cột thiêng trong ngôi nhà sàn của người Thái Tây Bắc không chỉ ẩn chứa quan niệm tôn giáo của thời kỳ phụ hệ, mà còn thể hiện những ước mơ thánh thiện, quan niệm sống, là điểm tựa tinh thần cho mỗi người. Mỗi con người đều  phải có trách nhiệm với truyền thống tốt đẹp của tổ tiên, có trách nhiệm với cộng đồng, phấn đấu vì một ngày mai tươi sáng hơn.

Ngôi nhà sàn của người Thái vừa trang nhã, vừa chắc chắn: “hướn đi tẳng cang tèn/ hướn én tẳng cang vên/ lốm luông pặt bấu chại/ lốm hại pặt bấu pay – nghĩa là: Nhà tốt dựng nơi cao ráo/ nhà đẹp dựng giữa mường/ gió to thổi không xiêu/ bão lớn không lay động.

Nhà sàn được trang trí nhiều hoa văn hoạ tiết tinh xảo trên bậu cửa sổ, trên các tấm ván hình răng cưa làm chấn song của sổ, trên “khau cút” của nhà người Thái đen. “Khau cút” vẽ vân sen/ đầu kèo vẽ vân én/ mái nhà xén bằng dui – “khau cút tẻm lai bua/ sinh dua tẻm lai én/ nhả ca bén tin con, đã trở thành tiêu chí về vẻ đẹp của ngôi nhà sàn người Thái đen Tây Bắc.

“Khau cút” là hai tấm ván đóng chéo nhau hình chữ X trên đòn nóc – “tiêu bôn”, trước hết để chắn gió – “pảy lốm cho mái tranh hai đầu hồi nhà. Những gia đình quý tộc xưa còn làm thêm bông sen cách điệu ở giao điểm hai tấm ván và những hình trăng khuyết hướng vào nhau so le trên khau cút. Giải thích về biểu tượng “khau cút” có nhiều ý kiến khác nhau như: Đó là cặp sừng trâu cách điệu, biểu tượng của một nền văn minh lúa nước, hoặc đó là những búp cây guột – “cút lo ngong” có nhiều ở Tây Bắc, hay gắn với cuộc thiên di tìm miền đất hứa của người Thái, anh em luôn nhớ về nhau… Dù có cách giải thích thế nào, thì khi bắt gặp hình “khau cút” trên nóc nhà sàn, là mỗi người Thái đen Tây Bắc lại thêm ấm lòng, nhớ về anh em, bản mường yêu dấu.

Trên bậu cửa sổ thường chạm hình đôi thuồng luồng – “tô ngựa, linh vật làm chủ sông, suối, biểu tượng của sức mạnh và gia đình hạnh phúc. Trên các chấn song cửa sổ chạm các hoa văn, hoạ tiết mô phỏng thiên nhiên theo hình đối xứng hoặc lặp lại. Đó là những hình thoi như quả trám, hoa ban – “bók ban”, búp cây guột – “cút lo ngong”… Nhà sàn người Thái trắng – “Táy khao” thường có lan can xung quanh hoặc trước nhà rất đẹp. Thiên nhiên được phản ánh một cách sống động, thể hiện tinh tế quan điểm về vũ trụ, âm dương ngũ hành và ý nghĩa nhân sinh cao đẹp.

Trải bao năm tháng, nghệ thuật trang trí của người Thái Tây Bắc được gìn giữ và phát huy, góp phần làm nên một bản sắc văn hoá đặc thù. Ngày nay, nghệ thuật trang trí còn giúp cho đời sống của người Thái Tây Bắc được cải thiện đáng kể. Thổ cẩm đã trở thành hàng hoá thời mở cửa. Những sắc màu, những hoa văn, hoạ tiết được các cô gái Thái thổi hồn, “sấp đôi bàn tay đã thành hoa văn, ngửa đôi bàn tay đã thành hoa lá”, giới thiệu với đồng bào cả nước và bè bạn năm châu