6 điệu xòe cổ của người Thái ở Mường Lò
20/09/2018 2:49:00 CH
4610: Lượt đọc

Mường Lò là đất tổ của người Thái đen Tây Bắc. Nơi đây không chỉ có những dấu tích của người Thái đen cổ, mà còn là cái nôi của văn hóa Thái,    một trong những nét đặc sắc của nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc rất đáng tự hào ấy là sáu điệu xòe cổ.

Người Thái Mường Lò sống giữa thiên nhiên hùng vỹ, cần cù sáng tạo trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, anh dũng quật cường chống lại kẻ thù hai chân và bốn chân. Mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, mọi người lại nắm tay nhau quanh đống lửa nhẩy múa ăn mừng. Những điệu xòe hình thành, phát triển và dần hoàn thiện, mô phỏng những bước đi của cha ông khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu… thực tế cuộc sống và những ước mơ, khát vọng được diễn tả sinh động và tinh tế.

Sáu điệu xòe này được các nghệ nhân cùng giới nghiên cứu khẳng định là cổ nhất vì: Thể hiện được đầy đủ các thế chân và thế tay cơ bản và cách sử dụng các nhạc cụ một cách nhuần nhuyễn, nếu không học qua sáu điệu xòe này thì không thể xòe được các điệu khác và dù sau này các nghệ nhân văn hóa dân gian có phát triển thành rất nhiều điệu xòe khác, thì cũng trên cơ sở các thế chân và thế tay này.

Các thế tay cơ bản:

– “Xé quánh” – tức là phạt ngang, tay đưa từ trên xuống như gạt, phạt bỏ những trở ngại trên đường đời.

– “Khua” – như rẽ đường, như vun vén, gom nhặt, chắt chiu từng thành quả lao động…

– “Nhốm” – Hai bàn tay luôn rung rung như cánh bướm trong vũ điệu giao duyên, thể hiện niềm vui, hạnh phúc ngập tràn.

Các thế chân cơ bản:

– “Tin khoang” – tức là đi ngang, chân dịch chuyển xệt trên mặt đất, thể hiện sự khó khăn vất vả trong cuộc đấu tranh để tồn tại và phát triển, song bước chân vẫn không rời mảnh đất quê hương, để được tiếp thêm sức mạnh và niềm tin.

– “Tin xắp” – tức là chân đuổi, bước chân nối nhau theo nhịp nhanh, lột tả ý chí phấn đấu vươn lên không ngừng để đạt được giá trị cao cả Chân – Thiện – Mỹ, khát khao cháy bỏng tự bao đời.

– “Tin quyệt” – tức là xệt, đồng thời với bước đi xệt, một chân phẩy ra đằng sau như làm điểm tựa để tiến lên phía trước.

– “Tin dống dông” – tức là chân kiễng, như muốn vươn đến những tầm cao mới.

Nhạc cụ:

Dùng cho mỗi điệu xòe cũng khác nhau. Ví dụ: Điệu “Khắn khăn mơi lảu”, “Đổn hôn”, “Nhôm khăn”, “Phá xí”, do các thế chân và thế tay đều uyển chuyển, bay bướm nên nhạc cụ thường chỉ dùng khèn với những giai điệu nhẹ nhàng, bay bổng, tình tứ. Còn với những điệu “Khắm khen”, “Ỏm lọm tốp mư” thì có thể dùng tất cả các nhạc cụ trừ pí, bởi những điệu xòe này thể hiện sự nồng say, rộn ràng trong từng bước vũ.

Đi vào cụ thể của các điệu xòe, ta thấy được rất rõ những vấn đề này:

 Điệu “Khắm khăn mơi lảu” – Nâng khăn mời rượu. Đây là điệu múa đầy chất trữ tình và ấm áp tình người, thể hiện lòng hiếu khách, giống như người miền xuôi: “Miếng trầu là đầu câu chuyện”, rượu làm cho con người gần gũi với nhau hơn, chan hòa, đoàn kết, chén rượu trở thành chén tình, chén nghĩa.

Mở đầu của điệu xòe này bao giờ cũng là hai vũ công ra nâng khăn mời rượu, bước chân nhún xuống, một bàn chân kiễng lên dịch chuyển nhẹ nhàng  nhưng không rời khỏi mặt đất theo thế “Tin xệt” tỏ ý khiêm nhường và kính trọng. Hai người được mời đầu tiên này là người quan trọng nhất, đồng thời còn có ý nghĩa giống như “chén nóng” trong mỗi bữa cơm, tức là không chỉ mời những người còn sống, mà còn mời cả linh hồn những người quá cố đi theo phù trợ cho người còn sống được cùng hưởng.

Tiếp theo bốn vũ công ra mời khách. Số bốn này có ý nghĩa như bốn phương rồi có thể phát triển ra thành tám hướng. Nhưng dù ở nơi đâu, tình đoàn kết keo sơn không bao giờ thay đổi. Sau đấy các vũ công mời tất cả mọi người cùng chung vui thể hiện tình đoàn kết, gắn bó cộng đồng.

– Điệu “Phá xí” – Bổ bốn, diễn tả tình đoàn kết của dân tộc, dù ở bất cứ phương trời nào, mỗi người đều hướng về tổ tiên, quê hương yêu dấu.

Ở điệu xòe này thế chân lại đi ngang – “Tin khoang”, cứ bốn bước lại chụm hai chân vào nhau như làm điểm tựa cho vững chãi rồi tiếp bước trên đường đời.

Cũng trong điệu xòe này còn có những bước đi dọc theo nhịp đuổi – “Tin xắp”. Từng đôi tay đan vào nhau thể hiện sự đoàn kết gắn bó, sau đó mới chuyển sang các biến thể, bốn người đan tay vào nhau. Khi hai người đan tay cùng lộn xoay vòng thì nhạc đệm theo nhịp nhẹ nhàng, thế chân khi từng đôi lộn xoay vòng  – “Phựn”, một chân kiễng – “Tin dống dông” dịch chuyển nhẹ nhàng. Còn khi bốn, tám, mười hai người cùng lộn xoay vòng thì nhịp nhạc lại như bước “Tin xắp” rộn ràng, sôi nổi.

– Điệu “Đổn hôn” – tiến lùi, như muốn khẳng định dù đất trời có đổi thay, cuộc sống có như thế nào thì tình người vẫn luôn sắt son bền chặt.

Điều đặc biệt trong điệu xòe này là thế chân luôn kết hợp với sự uyển chuyển nhẹ nhàng của toàn bộ thân thể, giống như dù trước mọi bão giông, trở lực trong cuộc sống, con người có lúc chao đảo nhưng vẫn gượng được, đứng vững và trụ lại để tiến lên.

Trong điệu xòe này với thế chân cơ bản như: “Tin xắp” – tức là bước đi nhún thẳng, lúc người này tiến, lúc người kia lùi như thực tế trong cuộc sống, lúc thành công, lúc chưa thành, nhưng vẫn chung tay ddaonf kết, thế tay luôn khua ra phía trước như đang gạt mọi trở lực, vun vén, chắt chiu những thành tựu có được dù nhỏ.

– Điệu “Nhôm khăn” – tung khăn, là điệu xòe tưng bừng nhất, sôi nổi nhất, hay dùng khi mùa vụ bội thu, đám cưới, lên nhà mới… thể hiện niềm vui vô bờ bến.

Điều đặc biệt của điệu xòe này là cũng với đạo cụ là khăn Piêu choàng trên cổ, các vũ công hai tay cầm hai đầu khăn, đi theo hai hàng rồi biến thể thành các vòng tròn đồng tâm ít nhất là năm người, như bốn phương và trung tâm lần lượt ra vào, mỗi lần chụm vào thì tung khăn. Chiếc khăn Piêu lúc này như muôn sắc mầu của cuộc sống, đồng thời cũng là thành quả lao động sáng tạo của những người con gái Thái, những người đã từng: “Nướng quả ớt thơm mùi đĩa chéo, đụng vào khung cửi vải thành hoa, tung nắm tấm thành ra đàn gà”. “Ngồi xổm thêu được hình chim phượng hoàng, ngồi nghiêng quay sợi thành chùm hoa so se”.

Ở điệu xòe này, nhịp xòe thay đổi từ 2/4 – 3/4 cùng nhịp nhạc, với thế tay “khua” vừa như bươn chải, vươn lên phía trước rồi tung khăn lên. Khi tung khăn, các thế chân kết hợp nhịp nhàng giữa “Tin xắp” tiến và lùi, cùng với một chân đưa thẳng ra phía trước, thể hiện niềm chung vui vô hạn.

– Điệu “Ỏm lọm tốp mư” – tức là vòng tròn vỗ tay, thể hiện niềm vui to lớn khi gặp nhau hoặc đạt được thành quả lớn lao trong cuộc sống.

Bởi vậy ở điệu xòe này thế chân luôn rộn ràng trong nhịp 2/4, một chân nâng cao đồng thời với khi vỗ tay, các vũ công từng đôi mắt nhìn vào nhau như trao gửi niềm vui, hạnh phúc và tin yêu. Ở điệu xòe này vòng tròn còn đảo chiều thể hiện cuộc sống dù thay đổi đến đâu thì hạnh phúc, bình yên luôn là niềm tin và khát vọng.

– Điệu “Khắm khen” – Tức là nắm tay. Quanh đống lửa, mọi người nắm tay nhau nhẩy múa vòng tròn theo chiều trái đất quay, cùng với nhịp tay giơ lên thì nhịp chân đưa chéo. Đây là điệu múa mang tính sơ khai, biểu lộ sự gắn kết cộng đồng, mong ước một cuộc sống ấm no, hạnh phúc vẹn tròn theo quy luật phát triển tất yếu của cuộc sống.

Sáu điệu xòe cổ  là niềm tự hào của người Thái Mường Lò. Dần dần, từ các điệu xòe cổ các nghệ nhân dân gian phát triển tới ba mươi sáu điệu xòe mang bóng dáng các sinh hoạt thường ngày: “Xe cúp” – múa nón, “Xe tẳng chai” – múa chai, “Xe kếp phắc” – hái rau, “Xe cắp” – múa sạp, “Xe tăng bẳng” – múa ống, “xé vi” – múa quạt…

Trong sáu điệu xòe cổ và các điệu xòe khác, nếu xòe vòng sôi nổi bao nhiêu, thì các bài xòe điệu lại tinh tế duyên dáng bấy nhiêu. Triết lý âm dương, đất – trời, lửa – nước và ý nghĩa nhân sinh cao cả ẩn chứa trong các điệu xòe.

Người Thái có câu ca:

“Không xòe không tốt lúa

Không xòe thóc cạn bồ”

Không xòe hoa sẽ tàn héo

Không xòe trai gái không thành đôi”

Qua mỗi bước xòe, người ta như được gột rửa tinh thần, gần gũi chan hòa với nhau hơn, yêu người, yêu đời để bước vào cuộc sống lao động với một niềm tin sáng trong phơi phới.