Nét độc đáo trong trang phục dân tộc của đồng bào Thái
20/09/2018 3:08:00 CH
5443: Lượt đọc

Ai đã từng đến với Mường Lò - Nghĩa Lộ đều trầm trồ thán phục, rung động trước vẻ đẹp thanh tân, duyên dáng của các cô gái Thái. Váy đen lấp lánh, vòng xà tích bạc, thắt lưng xanh, áo cỏm dịu dàng, đôi hàng cúc bạc như cánh bướm và khăn piêu vời vợi trên đầu. Sự đồng nhất, hài hòa kỳ diệu ấy tạo cho ta một cảm xúc thanh thản trước bộn bề của dòng chảy cuộc sống. Trang phục dân tộc Thái sống động cái hơi, cái hồn của dân tộc mình giữa Tây Bắc ngàn năm vẫn trẻ, giữa huyền thoại “Ải lậc cậc” khai thiên lập địa xứ Tây Bắc thủa nào.

Trang phục dân tộc Thái dù được sử dụng trong đời sống lao động hàng ngày vẫn phô trương được những đường nét mềm mại, kín đáo nhưng tiện lợi. Trang phục trong đời sống lao động của người Thái có màu đen hoặc màu xanh được may bằng chất liệu vải chàm thấm mồ hôi và tạo sự thoáng mát.

Thường ngày, trang phục nữ gồm váy ống, áo cỏm, thắt lưng màu xanh và trang phục khi lao động có thêm xà cạp quấn chân, khăn vấn đội đầu có tác dụng bảo vệ cơ thể khi lao động sản xuất. Đi kèm với trang phục, phụ nữ dân tộc Thái thường đeo bên hông chiếc ớp là vật dụng để đựng các sản phẩm của quá trình lao động như rau, măng, tôm, cá...

Trang phục nam khi lao động được may gọn gàng gồm quần chun, ống rộng vừa phải, áo ngắn sẻ cánh chuồn 2 bên sườn. Đặc biệt cùng với các dụng cụ lao động như cuốc, xẻng, cày bừa... người đàn ông dân tộc Thái thường đeo bên hông con dao nhọn, vừa thể hiện cái uy của người đàn ông vừa để sử dụng trong hoạt động lao động sản xuất. Và kèm theo là vật dụng dùng để đựng thức ăn khi đi lao động xa nhà, đó là coong khảu...

Mỗi khi tết đến, xuân về, trong những vòng xòe rộn ràng hay trong đêm Hạn khuống tình tứ, cùng với tiếng trống, tiếng khèn, tiếng pí thiết tha, các sao noong với trang phục truyền thống nhẹ nhàng thướt tha trong các điệu dân vũ là ấn tượng rất riêng của dân tộc Thái.

Trong những dịp lễ hội, trang phục nữ Thái gồm váy ống, áo cỏm được may bằng chất liệu vải  như tơ tằm, lụa, nhung... tạo sự mềm mại và rực rỡ khi tham gia các hoạt động trong dịp lễ, tết, hội hè... Đi cùng trang phục là đồ trang sức gồm vòng cổ, vòng tay và điểm xuyết bên hông là bộ xà tích bằng bạc tạo điểm nhấn bắt mắt.. cùng chiếc khăn piêu với những hoa văn họa tiết tinh tế thể hiện sự khéo léo của người thiếu nữ trong tề gia nội trợ, tạo nét thanh tao, sang trọng trong lễ hội. Nối váy với áo cỏm là chiếc thắt lưng màu xanh làm tôn vẻ đẹp Eo kíu manh po nghĩa là thắt đáy lưng ong của các thiếu nữ Thái

Trang phục tham gia lễ hội của nam là áo tà dài (Xửa luông) cúc cài chéo bằng vải, mặc kép (Xửa đăm tặp xửa đón), áo trắng bên trong để lộ phần cổ áo và tay áo như 1 lớp viền trang trí, quần chun ống rộng, tạo sự cân đối hài hòa với chiếc áo tà dài. Cùng với trang phục thì đàn ông thường mang theo nón truyền thống được đan cầu kỳ 2 lớp bằng cây giang gọi là Cúp bửa, vừa có tác dụng che chở, vừa thể hiện tinh thần thượng võ của người đàn ông.

Trang phục khi cưới hỏi của những chàng trai, cô gái Thái mang đặc trưng rất riêng. Trang phục cô dâu gồm bộ váy áo cóm bên trong và khoác chiếc áo cưới truyền thống bên ngoài, áo tà dài, cúc chéo ngực, đầu đội khăn đen vấn 3 sừng. Dây xà tích được treo một bên hông. Theo phong tục, khi về nhà chồng cô dâu thường mang theo bộ đồ dệt vải và đội trên đầu chiếc nón mới (cúp chỉa mương púa liệp te – tức nón lá của người kinh), vừa tạo sự duyên dáng, e ấp của người con gái, vừa có tác dụng che mưa che nắng khi được đón về.

Trang phục chú rể trong ngày cưới gồm áo ngắn cánh chuồn xẻ 2 bên sườn, quần chun ống rộng, đầu đội khăn đen quấn vành cao. Theo phong tục, chú rể khi đón dâu về nhà, trên vai gánh đôi bung mang của hồi môn của cô dâu về nhà chồng.

Văn hóa trang phục dân tộc Thái là một vẻ đẹp tiềm ẩn khó đặt tên, cứ dư âm thổn thức trong lòng người khi nhớ về Tây Bắc. Trang phục dân tộc Thái là sự kết hợp tinh tế giữa văn hóa của nghề dệt may và văn hóa kim loại quý. Và đó cũng chính là cốt cách, là bản sắc văn hóa độc đáo của người Thái Nghĩa Lộ Mường Lò.