I. LỊCH SỬ NGHĨA LỘ

 

 KHÁI QUÁT LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA THỊ XÃ NGHĨA LỘ VÀ ĐẢNG BỘ THỊ XÃ NGHĨA LỘ.

1- Khái quát lịch sử hình thành và phát triển của Thị xã Nghĩa Lộ.

- Địa danh Nghĩa Lộ có từ những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX. Khi đó, Nghĩa Lộ là một sách (sách Nghĩa Lộ) thuộc châu Văn Chấn, phủ Quy Hoá, tỉnh Hưng Hoá. Trong thời Pháp thuộc khi thành lập tỉnh Yên Bái (11/4/1900), Nghĩa Lộ là một xã thuộc tổng Phù Nham, huyện Văn Chấn. Sau đó, năm 1907 thành lập Tổng Nghĩa Lộ trên cơ sở xã Nghĩa Lộ và một số xã lân cận thuộc Tổng Hạnh Sơn, Phù Nham. Trước Cách mạng Tháng 8/1945 có phố Nghĩa Lộ trong xã Nghĩa Lộ thuộc châu Văn Chấn, sau là huyện Văn Chấn.

Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, với một vị trí chiến lược khá quan trọng trong khu vực Tây Bắc của Tổ quốc, trên mảnh đất Nghĩa Lộ nhiều thế lực phong kiến, thực dân, đế quốc đã nhiều lần xâm chiếm. Nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ không chỉ cần cù trong lao động, sáng tạo trong văn hoá mà còn có truyền thống đoàn kết chống giặc ngoại xâm, bảo vệ quê hương, bảo vệ độc lậo, chủ quyền của đất nước.

Năm 1075, mảnh đất này đã có nhiều dân binh theo Thái uý Lý Thường Kiệt chống quân xâm lược nhà Tống.

Năm 1258, giặc Nguyên – Mông sang xâm lược nước ta lần thứ nhất, nhân dân các dân tộc Mường Lò đã cùng nhân dân vùng lân cận anh dũng chống giặc cản bước tiến của chúng về phía kinh thành dưới sự chỉ huy của lãnh binh Hà Chương, Hà Bổng.

Trong lần thứ hai xâm lược của quân Nguyên – Mông (năm 1285), nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ đã giúp đỡ, ủng hộ đạo quân của tướng Trần Nhật Duật.

Mùa Xuân năm 1872, giữa lúc bản làng đang sống yên vui thì giặc Cờ Vàng do tướng Dịp Tài cầm đầu từ đất Vân Nam – Trung Quốc tràn sang cùng Tây Bắc Việt Nam xâm chiếm, cướp bóc, tàn phá. Giặc Cờ Vàng tàn ác, đi đến đâu là gây ra cảnh đốt nhà, giết người, hãm hiếp phụ nữ.

Mường Lò là mảnh đất đầu tiên của vùng Tây Bắc bị bọn xâm lược giàu xéo. Với lòng yêu bản, yêu mường, nhân dân các dân tộc Mường Lò do thủ lĩnh Cầm Ngọc Hánh đã đứng dậy chống lại kẻ thù. Khi chúng vượt sông Hồng, mới đến đất Âu Lâu, nghĩa quân đã chủ động tiến đánh, song do thế giặc mạnh nên nghĩa quân đã về cố thủ tại đất Mường Lò. Đội Nhất - người chỉ huy của Cầm Ngọc Hánh đã anh dũng hi sinh tại Đồng Bằng. Tại lòng chảo Mường Lò, trận giáp chếin đầu tiên do 2 vị tướng của nghĩa quân là Cầm Hiệp và Cầm Tú chỉ huy đã diễn ra rất ác liệt từ chân dốc Thái Lão đến Bằng Bon. Trong trận này, Cầm Hiệp bị chúng bắt và chém đầu. Mặc dù vậy, dưới sự lãnh đạo của các tướng, nghĩa binh và nhân dân đã làm cho lũ giặc thiệt hại lớn, chặn bước tiến xâm lược của chúng...

Để chống lại kẻ thù, căn cứ Viềng Lò, Viềng Công được thành lập và xây dựng kiên cố. Nghĩa quân và nhân dân gấp rút củng cố lực lượng, đào thành, đắp luỹ. Nhiều lần giặc tiến đánh Viềng Công nhưng đều thất bại thảm hại. Sau này, do sự phản bội của Cầm Ngọc Chiêu, giặc đã chiếm được thành. Chúng thẳng tay tàn sát dân lành, làm cho vùng đất phì nhiêu này không còn sự sống, đâu đâu cũng dâng lên niềm oán hận. Những người dân còn lại đã phiêu bạt lên những vùng xa xôi sinh sống tìm cách chống lại chúng.

Sau khi chiếm được cả đất Mường Lò, giặc Cờ Vàng mở rộng phạm vi xâm lược lên Gia Hội, Tú Lệ, Ngọc Chiến, vượt sông Đà sang Sơn La, Thuận Châu. Mường Lò trở thành hoang tàn, vườn không, nhà trống. Lũ giặc bạo tàn sau một thời gian giết người, cướp của đã gặp phải bệnh tật, thú dữ, lương thảo cạn kiệt đã phải tháo chạy khỏi đất Mường Lò. Nhân dân Mường Lò dưới sự chỉ huy của Cầm Tám sau ba năm phiêu bạt đã trở về lập bản, xây mường. Với đôi bàn tay cần cù lao động, được sự chở che, giúp đỡ của nhân dân các dân tộc vùng lân cận và tình yêu quê hương, bản làng dần lại trở lại cảnh đầm ấm, yên vui.

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp tiến hành xâm lược nước ta. Tháng 2 năm 1886, sau khi làm chủ thành Hưng Hoá, thực dân Pháp do tướng Gia Mông chỉ huy đã tiếp tục tràn lên thượng lưu sông Hồng đánh chiếm Yên Bái. Mất thành Hưng Hoá, bố chánh Nguyễn Quang Bích và Nguyễn Văn Giáp đã rút về lập căn cứ chống Pháp ở vùng sông Thao. Nghĩa quân chiến đấu hết sức dũng cảm với tinh thần và ý chí cao. Phong trào chống Pháp do Nguyễn Quang Bích trực tiếp chỉ huy đã phát triển vào các căn cứ như Đại Lịch, Mường Lò, Mường Cơi... Đồng bào các dân tộc Thái, Dao, Mông, Mường đã hết lòng ủng hộ nghĩa quân. Dưới sự lãnh đạo của lãnh binh Vương Văn Doãn, nghĩa quân đã đẩy lùi cuộc tấn công của giặc Pháp và căn cứ lòng chảo Mường Lò.

Sau lần tấn công tháng 7 năm 1988 thất bại, 2 tháng sau Pháp tổ chức tấn công Nghĩa Lộ bằng 2 mũi. Mũi phía Đông gồm 400 quân do Bô-xê chỉ huy từ Ngòi Hút đến; mũi thứ 2 gồm 384 quân của Béc-giê tiến từ ngòi Lao lại. Địch bị chặn đánh ở nhiều đoạn đường hẻm, núi cao nên thiệt hại khá nặng. Một tốp nghĩa quân do Phạm Đình Tế, Phạm Thọ chỉ huy đã cùng lãnh binh Lý Hữu Kim tấn công địch ở Khe Thắc - nằm trên đèo Ách. Tháng 9 năm 1888, đại uý Pháp là Sapơlê đưa quân vào xây dựng đồn Nghĩa Lộ đã bị nghĩa quân bao vây, Pháp buộc phải cứu viện. Khi hai cánh quân của đại uý Buy-kê và trung uý Nooc-kê đến giải cứu đều bị đánh bật và tiêu diệt một phần. Nghĩa quân của Đặng Phúc Thành và Đào Chính Lục đã khống chế đường Nghĩa Lộ - đèo Hát đánh tan một cánh viện quân khác do đại uý Grôđa chỉ huy.

Ngày 26 tháng 11 năm 1889, thực dân Pháp tập trung một binh lực lớn do thiếu tá Pen – nơ – canh chỉ huy tiến từ hướng sông Hồng và sông Đà đến Nghĩa Lộ. Chúng thẳng tay khủng bố và đàn áp phong trào yêu nước của nghĩa quân rút về thượng huyện Văn Chấn để củng cố song cũng bị chúng truy quét hết sức quyết liệt để đè bẹp phong trào.

Tháng 1 năm 1890, đại bản doanh chống Pháp của Nguyễn Quang Bích ở Mường Lò bị tan rã.

Những năm sau đó, nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ và nhân dân vùng lân cận vẫn liên tục nổi dậy chống ách thống tị của giặc Pháp và tay sai, đặc biệt có lần phối hợp lực lượng của nghĩa quân tổ chức đánh úp đồn Tú Lệ, tiêu diệt nhiều sinh lực địch.

Mặc dù rất dũng cảm chiến đấu, song tương quan lực lượng quá lớn nên thực dân Pháp đã chiếm được Nghĩa Lộ. Các phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc nổi dậy chống thực dân thời kỳ cuối thế kỷ XIX không thành công nhưng đã khơi dậy ý chí căm thù, thức tỉnh lòng yêu nước để sau này, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân các dân tộc đã đứng lên, đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lậo tự do cho dân tộc trong cách mạng tháng Tám năm 1945.

Truyền thống đoàn kết, anh dũng, kiến cường của nhân dân các dân tộc Nghĩa Lộ trong đấu tranh chống các thế lực phong kiến và ngoại xâm, cần cù trong lao động sản xuất được phát huy cao độ trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại của dân tộc sau này dưới sự lãnh đạo của Đảng.

- Quốc hội khoá II- kỳ họp thứ 5, ngày 26/10/1962 đã ra Nghị quyết thành lập tỉnh Nghĩa Lộ. Từ năm 1963 thị trấn Nghĩa Lộ trực thuộc Tỉnh Nghĩa Lộ.

- Ngày 8/10/1971, Hội đồng Chính phủ ra quyết định số 190/CP về việc thành lập Thị xã Nghĩa Lộ (là Thị xã Tỉnh lỵ) gồm thị trấn Nghĩa Lộ và các Bản Tông co, Ao Sen, Tông Pọng của xã Nghĩa An; các bản: Noỏng, Que, Ngoa, Ten và một phần Ả Thượng của xã Nghĩa Phúc; các bản: Lè, Căng nà, Pa khết, Chao Thượng của xã Nghĩa Lợi thuộc huyện Văn Chấn.

- Ngày 27/12/1975, tại kỳ họp thứ 2 - Quốc hội khoá V đã quyết định hợp nhất 3 tỉnh Yên Bái, Nghĩa Lộ, Lao Cai thành Tỉnh Hoàng Liên Sơn. Hai năm sau, Thị xã Nghĩa Lộ hợp nhất vào huyện Văn Chấn (tháng 3/1978) trở thành thị trấn huyện lỵ của huyện Văn Chấn - Tỉnh Hoàng Liên Sơn, và từ năm 1991 là huyện Văn Chấn - Tỉnh Yên Bái.

Do yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía tây tỉnh Yên Bái, ngày 15/5/1995, Chính phủ ra Nghị định số 31/CP thành lập lại thị xã Nghĩa Lộ trên cơ sở thị trấn Nghĩa Lộ và một phần địa giới hành chính các xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc thuộc huyện Văn Chấn. Thị xã Nghĩa Lộ có 4 phường: Trung Tâm, Tân An, Cầu Thia, Pú Trạng với tổng diện tích tự nhiên là 1.093ha, dân số 18.191 người gồm 13 dân tộc anh em.

Sau 9 năm thực hiện Nghị định 31/CP của Chính phủ. Theo đề nghị của UBND tỉnh Yên Bái, ngày 24/12/2003 Chính phủ đã ra Nghị định số 167/2003/NĐ-CP về việc mở rộng địa giới hành chính thị xã Nghĩa Lộ, sáp nhập thêm 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc của huyện Văn Chấn về thị xã Nghĩa Lộ quản lý. Thị xã Nghĩa Lộ khi được mở rộng có diện tích tự nhiên là 2.977,24ha, dân số 26.032 người, có 7 đơn vị hành chính trực thuộc là các phường Trung Tâm, Tân An, Cầu Thia, Pú Trạng và các xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc. Đến năm 2008 dân số gần 27.295 người (6.510 hộ), 17 dân tộc, trong đó dân tộc Thái 44,5%; Kinh 43,3%; Tày 2,7%, Mường 1%, dân tộc khác 8,4%.       

2- Lịch sử hình thành và phát triển của Đảng bộ Thị xã Nghĩa Lộ.

- Thực hiện Quyết định số 190/CP ngày 8/10/1971 của Hội đồng Chính phủ về việc thành lập thị xã Nghĩa Lộ - Tỉnh Nghĩa Lộ. Ngày 10/12/1971, Tỉnh uỷ Nghĩa Lộ đã có quyết định thành lập Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ với hơn 300 đảng viên, Ban Thị ủy lâm thời gồm 8 thành viên.

- Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ tiến hành Đại hội lần thứ nhất nhiệm kỳ 1973 – 1976 vào ngày 11/4/1973, Đại hội bầu Ban chấp hành Thị ủy khoá I gồm 15 đồng chí, Ban thường vụ Thị ủy gồm 5 đồng chí.

 - Đại hội Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ lần thứ II (nhiệm kỳ 1976 – 1978) được tổ chức từ ngày 28 đến 31/10/1976, Đại hội đã bầu Ban chấp hành Thị ủy khoá II gồm 15 đồng chí, Ban thường vụ Thị ủy gồm 5 đồng chí.

3- Từ tháng 3/1978 đến tháng 5/1995, Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ hợp nhất vào Đảng bộ huyện Văn Chấn.

4- Thực hiện Nghị định 31/CP ngày 15/5/1995 của Chính phủ về việc thành lập lại thị xã Nghĩa Lộ thuộc tỉnh Yên Bái, ngày 6/6/1995, Tỉnh uỷ Yên Bái đã ra quyết định số 467/QĐ-TU về việc thành lập Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ bao gồm 17 chi Đảng bộ cơ sở (04 Đảng bộ cơ sở và 13 chi bộ cơ quan, doanh nghiệp), với tổng số 840 đảng viên.

Tỉnh uỷ Yên Bái cũng đã ra quyết định số 468/QĐ-TU về việc chỉ định Ban chấp hành, Ban thường vụ(lâm thời) thị ủy Nghĩa Lộ, theo đó Ban chấp hành lâm thời Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ gồm 17 đồng chí, Ban thường vụ Thị ủy lâm thời gồm 5 đồng chí.

5- Đại hội Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ lần thứ IX (nhiệm kỳ 1996 – 2000) được tổ chức tháng 3/1996: 

- Số chi, Đảng bộ trực thuộc Thị ủy là 27 với tổng số 900 đảng viên. Đại hội đã bầu: Ban chấp hành Đảng bộ khoá IX gồm 23 đ/c, Ban thường vụ Thị ủy 7 đ/c.

6- Đại hội Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ lần thứ X (nhiệm kỳ 2000 – 2005) được tổ chức vào tháng 11/2000.

- Số chi, Đảng bộ trực thuộc: 31, với tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ: 1.084. Đại hội bầu Ban chấp hành Thị ủy khoá X gồm 27 đ/c, Ban thường vụ Thị ủy: 9 đ/c.

7- Thực hiện Nghị định 167/NĐ-CP ngày 24/12/2003 của Chính phủ về việc mở rộng địa giới hành chính thị xã Nghĩa Lộ, Đảng bộ 3 xã Nghĩa An, Nghĩa Lợi, Nghĩa Phúc thuộc Đảng bộ huyện Văn Chấn sáp nhập vào Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ. Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ năm 2004 có 35 chi, Đảng bộ cơ sở, tổng số đảng viên 1.410 đồng chí. Số lượng uỷ viên Ban chấp hành Thị ủy sau khi được kiện toàn gồm 25 đ/c, Ban thường vụ Thị ủy 9 đ/c.

8- Đại hội Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ lần thứ XI (nhiệm kỳ 2005 – 2010) được tổ chức vào tháng 10/2005.

- Số chi, Đảng bộ trực thuộc Thị ủy là 36, tổng số đảng viên toàn Đảng bộ 1.500 đ/c.

- Đại hội bầu Ban chấp hành Thị ủy khoá XI gồm 33 đ/c, Ban thường vụ Thị ủy 11 đ/c.

Do yêu cầu công tác, thực hiện chủ trương luân chuyển cán bộ:

- Năm 2006, đ/c Phạm Quốc Hiển – Phó Bí thư Thị ủy - Chủ tịch UBND Thị xã được Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh điều động, bổ nhiệm làm Trưởng Ban quản lý Khu công nghiệp của Tỉnh. Đ/c Bùi Xuân Đinh – UV Ban thường vụ - Phó Chủ tịch UBND Thị xã được bầu giữ chức vụ Phó bí thư Thị ủy - Chủ tịch UBND Thị xã.

- Năm 2008, đ/c Nguyễn Công Bình – Bí thư Thị ủy được Tỉnh uỷ điều động giữ chức vụ Phó trưởng Ban tổ chức Tỉnh uỷ. Đ/c Vũ Xuân Sáng – Phó GĐ Sở Nông nghiệp –PTNT Tỉnh Yên Bái được Tỉnh uỷ điều động chỉ định tham gia BCH, BTV, giữ chức vụ Bí thư Thị ủy Nghĩa Lộ.

- Tháng 4 năm 2008, đ/c Tống Minh Đăng – Phó bí thư thường trực Thị ủy nghỉ hưu trí. Đ/c Nguyễn Thanh Sơn – UV Ban thường vụ - Trưởng Ban tuyên giáo Thị ủy được bầu giữ chức vụ Phó bí thư thường trực Thị ủy, được HĐND Thị xã khoá XII - bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐND Thị xã.

Đến tháng 3/2009, Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ có 42 chi, Đảng bộ cơ sở (trong đó 14 Đảng bộ và 28 chi bộ cơ sở) với 1.736 đảng viên. Liên tục trong hơn 10 năm qua Đảng bộ thị xã Nghĩa Lộ luôn giữ vững danh hiệu Đảng bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu, được Tỉnh uỷ tặng cờ thi đua xuất sắc 5 năm 2000 – 2005.

 

II. LỊCH SỬ VĂN HÓA         

 Là một thị xã miền núi, miền đất – con người Nghĩa Lộ mang trong mình một bản sắc văn hoá đậm đà, riêng có đó là nét văn hoá Mường Lò.

Câu nói ví trở thành quen thuộc: Nhất Thanh, nhì Lò... cho ta thấy đây là một miền đất rộng lớn, phì nhiêu (Cánh đồng Mường Lò rộng chỉ sau cánh đồng Mường Thanh - Điện Biên). Không những vậy nơi đây còn là địa danh mang đậm truyền thống văn hoá các dân tộc.

Vùng đất Nghĩa Lộ là cái nôi của 17 dân tộc chung sống như Thái, Kinh, Tày, Mường... mỗi dân tộc đều mang trong mình một bản sắc riêng.

Người Kinh ở Nghĩa Lộ có một bộ phận cư trú từ lâu đời còn hầu hết từ các tỉnh miền xuôi lên xây dựng kinh tế miền núi nhưng vẫn giữ những nét tương đồng như ở dưới xuôi. Cùng với người Kinh, các dân tộc khác như người Thái, người Tày, người Mường, người Khơ Mú... mỗi dân tộc có một bản sắc văn hoá riêng thể hiện về trên cả lĩnh vực văn hoá vật thể và phi vật thể.

Người Thái có trang phục độc đáo. Phụ nữ mặc áo cỏm, đủ các màu sắc, đính hàng khuy bạc hình bướm, nhện, ve sầu... chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân, ăn nhịp với váy dài màu thẫm, cuốn hình ống, có hoa văn ở gấu, thắt eo bằng thắt lưng xanh lá cây, đeo xà tích bạc bên hông. Đồ trang sức của phụ nữ như hoa tai, nhẫn vòng tay chủ yếu bằng bạc. Người Thái đen đã có chồng phải “tằng cẩu” (Búi tóc). Phụ nữ Thái hầu hết có thân hình đẹp bởi được lao động và mặc áo bó từ nhỏ. Nữ Thái đen đội khăn piêu nổi tiếng với các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc sặc sỡ.

Nam giới người Thái mặc quần cắt theo kiểu chân què có cạp để thắt lưng; áo cánh xẻ ngực có túi ở 2 bên gấu vạt, người Thái trắng có thêm túi bên ngực trái. Màu quần áo chủ yếu là màu thẫm.

Người Thái khéo tay, đặc biệt là phụ nữ Thái, giỏi nghề thủ công truyền thống tiêu biểu là nghề dệt thổ cẩm. Nói về nghề dệt, người Thái có câu thành ngữ “Vợ con tay guồng, tay tơ”. Cộng đồng người Thái quan niệm: gái tốt, gái đẹp phải là người khéo trong tròng bông, dệt vải. Mọi thiếu nữ đều được mẹ giáo dục chăm chút từ nhỏ, truyền kinh nghiệm để khi cô gái đến tuổi về nhà chồng đã có đủ váy, áo, chăn đệm, gối... do chính mình làm ra mang theo. Người Thái có câu ví đặc trưng “Mí phải chăng pên ếm” (có vải mới thành mẹ) thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ.

Dệt thổ cẩm là một nghề truyền thống lâu đời ở Nghĩa Lộ. Bao đời, nghề trồng bông, dệt vải đã gắn bó với từng gia đình người Thái. Ngày nay, nhiều nguyên liệu mới, hiện đại đã dần thay thế việc trồng bông, ươm tơ. Khung cửi truyền thống cũng được cải tiến, chạy bằng điện, giảm bớt sức người. Sản phẩm thổ cẩm của người Thái Nghĩa Lộ luôn được mọi người ưa chuộng và đã có mặt ở nhiều nơi trong nước.

Y phục cổ truyền của người Tày làm từ vải sợi bông tự dệt, nhuộm chàm, hầu như không có thêu thùa trang trí. Phụ nữ mặc váy hoặc quần, có áo cánh ngắn bên trong và áo dài bên ngoài.

Người Mường ở nhà sản, kiểu nhà 4 mái. Canh tác chủ yếu là lúa nước. Rượu cần của người Mường nổi tiếng bởi cách chế biến và hương vị đậm đà của men, được đem ra mời khách quý và các cuộc vui tập thể. Phụ nữ Mường cũng rất giỏi nghề thủ công như dệt vải, dệt thổ cẩm, đan lát. Trang phục tiêu biểu của phụ nữ là khăn đội đầu và ái cánh ngắn màu trắng, váy đen có cạp dệt hoa văn sặc sỡ và hoạ tiết vô cùng phong phú...

Ngày nay, những trang phục truyền thống của dân tộc Thái, Tày, Mường... thường chỉ được mặc vào các dịp lễ, hội, tết... và ở những người trung tuổi trở lên.

Văn hoá ẩm thực cũng là một trong những đặc trưng của văn hoá Mường Lò. Câu nói đã trở thành quen thuộc như: “Muốn ăn gạo trắng nước trong. Vượt qua đèo Ách vào trong Mường Lò”  gợi nhớ về một vùng quê trù phú với những sản vật đặc trưng của vùng đất nảy.

Được thiên nhiên ưu đãi, lòng chảo Mường Lò với cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay đã cho những hạt nếp (nếp tan) đặc sản. Dưới bàn tay khéo léo của con người, món xôi nếp là một trong những đặc sản khó quên nhất của Nghĩa Lộ. Xôi Nghĩa Lộ dẻo, thơm, ai thưởng thức một lần thì nhớ mãi. Xôi được đồ bằng chõ gỗ, khi đơm không bày ra đĩa như người Kinh mà được đặt trong những chiếc giỏ đan bằng giang xin xắn (coóng khẩu).

Không chỉ có xôi, ở Nghĩa Lộ còn có nhiều món ăn tiêu biểu mà những nơi khác không có như món rêu nướng, rêu hấp (rêu ở dòng suối Thia), măng chua, thịt trâu sấy, nộm hoa chuối rừng, rau xôi tập cẩm... Không quá cầu kỳ nhưng những món ăn của vùng đất này luôn hấp dẫn bởi hương vị của các loại gia vị từ núi rừng (hạt sẻn, hạt dổi...).

Với một tiềm năng về văn hoá dân gian đậm đà bản sắc, các loại hình nghệ thuật đặc sắc của miền đất này đã thể hiện giá trị nghệ thuật đích thực.

Vũ điệu xoè là một trong những loại hình nghệ thuật tiêu biểu của người Nghĩa Lộ. Đêm đến, bên đống lửa hồng, ai ai cũng đắm say hoà mình trong điệu xoè. Người Mường Lò có câu :” không xoè không tốt lúa, không xoè thóc cạn bồ”. Xoè Thái có nhiều điệu tiêu biểu như xèo quanh đống lửa, xoè nâng khăn mời rượu, xoè tiến lùi, xoè tung khăn, xoè vòng tròn vỗ tay... Âm thanh trầm bổng, vũ điệu nhịp nhàng của hội xoè tưng bừng, hối hả thôi thúc mọi người đến với vòng xoè. Trong nhịp xoè, mọi người xích lại nhau hơn, thân ái, quây quần, đầm ấm. Điệu xoè hôm nay không còn là của riêng người Thái mà đã trở thành tài sản vô giáo của nhân dân các dân tộc Mường Lò.

Ngoài ra, ở Nghĩa Lộ còn có những loại hình nghệ thuật độc đáo tiêu biểu như “hạn khuống” - một hình thức sân khấu sơ khai được các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian hết sức chú ý.

Là một miền đất giàu truyền thống văn hoá, Nghĩa Lộ - Mường Lò là quê hương gạo trắng, nước trong, được coi là xứ sở của nhiều lễ hội, cái nôi tạo nên sắc thái văn hoá khá riêng biệt, đậm đà bản sắc dân tộc, nhất là mỗi khi xuân về, Tết đến; mùa màng thu hoạch xong xuôi. Lễ hội nào cũng chứa đựng một tâm tưởng vừa kín đáo, vừa lan toả, bao trùm lên nó là sự thờ cúng, tôn vinh các vị thần linh, các diêu nhân có công với bản, với quê hương, đất nước, với tổ tiên. Lễ hội cũng là dịp giải trí, vui chơi, giao lưu, củng cố tình làng xóm, từ lễ hội này trai gái được giao duyên, nhiều đôi nên vợ, nên chồng. Lễ hội đã góp phần bồi đắp và phát triển ý thức cộng đồng. Ở đây có những lễ hội đặc sắc như lễ hội hoa ban, lễ hội “lồng tồng” (hội xuống đồng”, lễ hội “xên hươn – xên bản – xên mường” (cúng  nhà, cúng bản, cúng mường) cầu cho sức khoẻ, làng bản ấm no, mùa màng bội thu, mưa thuận gió hoà, trâu bò đầy chuồng, thóc lúa đầy nhà...; lễ hội trò chơi, lễ hội ẩm thực... Gắn liền với lễ hội là các trò chơi truyền thống của các dân tộc như kéo co, ném còn, tómắclẹ, đánh yến, đu chà... Những trò chơi không chỉ vui, hứng thú mà còn có ý nghĩa giao duyên, tỏ tình đậm đà.

Kho tàng văn hoá, văn nghệ dân gian của các dân tộc ở Nghĩa Lộ phong phú với nhiều thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, sử thi, ca dao... với nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Sống trụ xôn xao”; “Ngọc Hánh đánh giặc Cờ Vàng”, “Táy pú sắc”..., các làn điệu dân ca như khắp, then, lượn... cùng nhiều loại nhạc cụ như đàn, trống, pí, chũm choẹ, khèn... tạo nên âm thanh trầm bổng, tha thiết.

Mỗi dân tộc ở Nghĩa Lộ có một bản sắc văn hoá riêng, độc đáo nhưng luôn song hành hoặc hoà quyện vào nhau tạo nên một vùng đất văn hoá đặc sắc mà ít nơi có được đó là văn hoá Mường Lò. Ngày nay, dưới ánh sáng của Đảng, các giá trị truyền thống văn hoá đó luôn được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Thị xã đã chủ động tổ chức xây dựng phong trào văn hoá, văn nghệ trong đó chú trọng bảo tồn, phát triển các giá trị văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc, quan tâm xây dựng các đội văn nghệ quần chúng, khôi phục các loại hình tổ chức sinh hoạt văn hoá dân gian ở cơ sở, từng bước đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của nhân dân trong việc hưởng thụ các giá trị văn hoá của chính dân tộc mình, góp phần xây dựng thị xã Nghĩa Lộ trở thành một thị xã văn hoá miền núi tiêu biểu của cả nước.